Thực thi pháp luật bảo vệ tác quyền trên mạng là cấp thiết

Đó là chia sẻ của ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả trong hội thảo vào sáng 26/10, tại TPHCM.

Hội thảo Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng được Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhằm nêu ra những thực trạng, luật định về việc bảo vệ tác quyền trên không gian số; cũng như đề xuất, tìm hiểu những giải pháp.

Nhận định về môi trường số hiện tại, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) mở ra nhiều cơ hội, lưu giữ, phân phối, khai thác tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình…

Tuy nhiên, môi trường này cũng tạo ra những thách thức để tác giả tự bảo vệ quyền; cơ quan quản lý hà nước thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh việc vi phạm bản quyền do nhiều chủ thể đến từ nhiều quốc gia tham gia, gây khó khăn cho việc xác định, xử lý.

Tại kỳ họp thứ III của Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu quản lý, yêu cầu thực thi trên không gian mạng… Trong đó có cơ chế thông báo, gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ thể có quyền.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành quyền tác giả, quyền liên quan. Bộ VH-TT&DL tham mưu, trình Chính phủ tham gia 2 hiệp ước về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Ông Trần Hoàng phát biểu trong hội thảo vào sáng 26/10, tại TPHCM

Ông Trần Hoàng phát biểu trong hội thảo vào sáng 26/10, tại TPHCM

Đây là những hành động cụ thể để bảo vệ tác quyền, thực thi bản quyền. Cục cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến các quy định pháp luật đến nhiều đối tượng khác nhau… Theo ông, ngoài việc phổ biến, thì đẩy mạnh thực thi là yêu cầu cấp thiết.

Trong đó, việc triển khai nhanh chóng, lập cơ chế tiếp nhận, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trung gian đầu tư nhân lực, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị nước ngoài để vận hành hệ thống hiệu quả.

Theo bà Phạm Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thì đây là vấn đề không chỉ nhức nhối tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nghị định 17/2023/NĐ-CP được đề cập bên trên có nhiều nội dung thay đổi. Bà đề nghị mọi người nên đọc, tìm hiểu kỹ. Tìm được giải pháp phù hợp không chỉ đảm bảo việc thực thi quyền, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE chia sẻ về việc vi phạm bản quyền với lĩnh vực sách nói

Ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WEWE chia sẻ về việc vi phạm bản quyền với lĩnh vực sách nói

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, có thể thấy việc thực thi bảo vệ bản quyền trên không gian mạng không hề dễ dàng. Qua chia sẻ của các đại biểu, cho thấy việc vi phạm diễn ra trên diện rộng: phim ảnh, ca nhạc, sách nói, chương trình phát sóng trực tiếp, trò chơi điện tử… Mỗi đơn vị phải tự xử lý hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn trường hợp mỗi năm.

Bên cạnh đó, luật định hiện đã có nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Các chủ thể cũng chưa được hướng dẫn cụ thể để có được phương án xử lý đúng đắn… Vì thế, trước mỗi vụ vi phạm bản quyền, hiện vẫn rất khó xử lý, và kéo dài. Các chủ thể, tác giả cũng chưa nắm rõ về luật định.

Tại đây, nhiều doanh nghiệp cũng than khó khi bị xâm phạm bản quyền dưới nhiều hình thức, thậm chí đối tượng xâm phạm còn trực tiếp đến đàm phán, điều đình với họ.

Việc xử lý rốt ráo vấn đề này vẫn còn là câu chuyện của tương lai, và cần nhiều hành động nhanh chóng, thiết thực hơn nữa.

Nguồn: Trung Sơn – Báo https://www.phunuonline.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *