Tác giả và việc bảo vệ bản quyền sáng tác trên môi trường mạng

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm trong "thời đại số" (ảnh minh hoạ)

Trước thực trạng vi phạm bản quyền xảy ra trên môi trường mạng với số lượng ngày càng tăng, phạm vi ngày càng rộng, tính chất ngày càng phức tạp… các cơ quan quản lý lĩnh vực bản quyền và sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ bản quyền tác giả văn học nghệ thuật.

Vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai, khó kiểm soát

Mặc dù tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng các cơ quan, đơn vị, tổ chức… hoạt động trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền tác giả văn học nghệ thuật tại Việt Nam đang phải xử lý số vụ vi phạm ngày càng tăng hơn, với quy mô rộng hơn và tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đặc biệt, trong môi trường số, việc vi phạm bản quyền ngày càng trầm trọng, nó diễn ra công khai, khó kiểm soát. Thiệt hại về kinh tế là hậu quả dễ thấy nhất do các hành vi vi phạm bản quyền gây ra. Việc vi phạm bản quyền ngoài gây thiệt hại về kinh tế còn khiến cho chủ sở hữu bị thiệt hại về hình ảnh, uy tín, thương hiệu, vị thế đàm phán của chủ sở hữu nội dung hay các đơn vị phân phối nội dung, làm suy giảm, thậm chí làm mất, khả năng sáng tạo của chủ thể quyền…

Trong 1 khảo sát của Liên minh chống vi phạm bản quyền châu Á- CAP gần đây, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Trong đó, 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.

Theo Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số đã và đang diễn ra công khai trên nhiều nền tảng bởi người dùng vẫn có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền, độ tuổi vi phạm nhiều nhất là 18-24 tuổi với tỷ lệ sử dụng nội dung “lậu” lên tới 65%.

Những hành vi vi phạm bản quyền phổ biến thống kê được gồm: livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội, website; sao chép nguyên trạng nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet. Cơ quan này cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng để chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam với hàng trăm website vi phạm bản quyền.

Các đối tượng vi phạm liên tục thay đổi tên miền, tránh sự ngăn chặn của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong một thời gian ngắn, các đối tượng này có thể tạo ra hàng trăm tên miền tương tự nhau để tiếp tục cung cấp nội dung vi phạm bản quyền…

Liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền, kết quả tổng hợp việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan của Thanh tra Bộ VHTTDL hồi đầu năm 2023 cho thấy, cơ quan này đã tiến hành 534 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân, kiến nghị thu hồi 56 giấy phép phổ biến phim để điều chỉnh chủ sở hữu bản quyền. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP là 12,8 tỷ đồng.

Một số nguyên nhân được chỉ ra như, thói quen của người dân Việt Nam, ý thức về bản quyền của người dân chưa thực sự cao; các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian đôi lúc “bỏ qua” các hành vi vi phạm vì những lợi ích của mình; mức xử phạt vi phạm quá nhẹ nên không đủ tính răn đe…

Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm trong "thời đại số" (ảnh minh hoạ)
Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng là vấn đề được quan tâm trong “thời đại số” (ảnh minh hoạ)

Thúc đẩy bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ thông tin trên Internet khiến cho người dùng tiếp cận nhanh và nhiều nội dung hơn trước đây. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình này đối với các sáng tạo chính là sự xâm phạm bản quyền và việc vi phạm diễn ra với quy mô rộng và tốc độ rất cao.

Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo vệ pháp lý về bản quyền tác giả, LS. Võ Trung Tín Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam cho biết, thực trạng xử lý vi phạm nội dung trên môi trường mạng Internet hiện nay rất phức tạp. Với nhiều hình thức cung cấp dịch vụ nội dung trên môi trường Internet, việc khai thác thương mại các “nội dung số” mang lại giá trị thương mại to lớn cho chủ thể quyền. Do đó, việc doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất với con số khổng lồ để sở hữu “nội dung số” cho riêng mình không còn là vấn đề xa lạ với người dân hiện nay.

Tuy nhiên, LS. Võ Trung Tín cho rằng, giá trị của nội dung số lại nằm ở dạng quyền tài sản vô hình còn việc “đánh cắp” nội dung số lại trở nên quá dễ dàng với công nghệ kỹ thuật hiện tại. Vì vậy việc xác minh, bảo vệ và khai thác “nội dung số” của chủ thể quyền gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong thực tế.

Ở thời điểm hiện tại, việc bảo vệ nội dung số của chủ thể quyền đa số chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp công nghệ tự bảo vệ “nội dung số” của mình, đồng thời thực hiện các biện pháp cảnh báo và biện pháp xử lý hành chính để yêu cầu cơ quan nhà nước hỗ trợ ngăn chặn các hành vi vi phạm diễn ra với quy lớn. Còn việc áp dụng biện pháp khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền vẫn còn là câu chuyện khó khăn với các chủ thể quyền.

Cùng chung nhận định với LS. Tín, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền tác giả văn học nghệ thuật tại Việt Nam cũng chia sẻ, chúng ta đang rất cố gắng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý vi phạm bản quyền, tuy nhiên, để đảm bảo toàn diện và thể hiện được đầy đủ các hành vi vi phạm thì thật sự khó.

Môi trường số mở rộng phạm vi ra toàn cầu, vì thế các vi phạm trên môi trường số cũng có phạm vi rất rộng. Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định, Điều ước quốc tế về bảo vệ bản quyền là một thuận lợi trong quá trình xử lý các vụ việc, tuy nhiên, Việt Nam cũng cần kiện toàn, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam sao cho phù hợp với những Điều ước, Hiệp định, Hiệp ước chúng ta tham gia.

Cần phải thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức của những người dùng Internet. Trong các mối quan hệ kinh tế từ trước tới nay, người kinh doanh luôn tìm cách tối đa doanh thu còn người tiêu dùng thì tìm cách để chi tối thiểu, do đó cần tìm cách ứng xử sao cho phù hợp, để hài hòa lợi ích 2 bên.

Trên môi trường số, 1 cơ quan/tổ chức/đơn vị/cá nhân- chủ sở hữu bản quyền, cung cấp được đầy đủ các giải pháp từ công nghệ, pháp lý, làm việc với các nền tảng phân phối, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan… để bảo vệ được bản quyền là việc tương đối khó và phức tạp. Chính vì vậy, cần có các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ bảo vệ bản quyền để đảm bảo về mặt giải pháp, chi phí… để tiếp cận được 1 cách chuyên nghiệp các vấn đề về bản quyền. Vai trò của các đơn vị trung gian cần tăng cường để giải quyết thực trạng này trên môi trường số.

Theo các chuyên gia, để bảo vệ bản quyền trên môi trường số một cách hiệu quả, bên cạnh việc tạo ra các “lá chắn” linh hoạt, cơ chế phòng thủ tích cực, hệ thống thông báo/cảnh báo các hành vi vi phạm bản quyền… thì cần xây dựng một chế tài pháp lý đủ mạnh với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội.

Môi trường số tạo ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ bản quyền, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để xâm phạm, khai thác bản quyền một cách trái phép. Do vậy, chúng ta phải tìm ra các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy bảo vệ bản quyền trên môi trường số.


Việt Nam là thành viên của Công ước, Hiệp ước, Hiệp định như: Berne, Geneva, Brusels, Rome, TRIPs, WCT, WPPT, Marrakesh… Tham gia các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ tác phẩm văn hóa nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm, các cuộc biểu diễn trong môi trường kỹ thuật số có xuất xứ từ các nước thành viên tại lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của công dân Việt Nam, các cuộc biểu diễn, bản ghi âm của cá nhân, tổ chức Việt Nam được bảo hộ tại các quốc gia thành viên của Hiệp ước. Hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013); Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022; Bộ Luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Hải quan; các luật liên quan như: Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật Điện ảnh… Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nguồn: Hà Linh – Bộ VHTT&DL

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *