Bản quyền Âm nhạc trong tác phẩm Điện ảnh

hoi thao

Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ gìn, khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một nhiệm vụ hàng đầu. Là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều giá trị đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát huy nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, chuyển hóa các giá trị văn hóa thành “sức mạnh” để phát triển. Một trong những phương cách mang đến kết quả nhanh chóng và vững chắc trong việc phát triển công nghiệp văn hóa đó chính là việc xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam – bộ môn nghệ thuật thứ 7 – trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Nói đến điện ảnh là nói đến môn nghệ thuật của hình ảnh; trong một bộ phim, bên cạnh hình ảnh thì âm thanh cũng đóng vai trò rất lớn tạo nên sự thành công của một bộ phim, trong đó không thể thiếu âm nhạc. Âm nhạc là yếu tố đóng vai trò quan trọng có tác dụng hỗ trợ cho cảm xúc của người xem và đẩy cảm xúc đó lên cao trào, có những bộ phim mà âm nhạc và các ca khúc trong phim đã thành công đến mức mà sau đó đã tách hẳn ra khỏi bộ phim đó và có một đời sống độc lập như If we hold on together (trong phim Lion King), My heart will go on (trong phim Titanic), Casablanca (trong phim Casablanca)…; ở Việt Nam có thể kể đến những ca khúc như Những nẻo đường phù sa (trong phim Những nẻo đường phù sa), hay gần đây có bài hát Ngày chưa giông bão (trong phim Người bất tử)… Chính vì âm nhạc là một thành tố đóng vai trò thiết yếu góp phần trong việc thành công của một bộ phim nên việc bảo vệ các tác phẩm âm nhạc trong phim cũng là một vấn đề quan trọng cần được lưu tâm, không chỉ là trong trường hợp các nhà sản xuất xin phép sử dụng nhạc trong phim mà còn là đối với trường hợp khi các nhà sản xuất trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với các ca khúc trong phim.

Tại Việt Nam, việc bảo vệ các tác phẩm âm nhạc nói chung và tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim nói riêng là một trong các nhiệm vụ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), theo đó VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, thực hiện các hoạt động bảo vệ, quản lý quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). VCPMC hiện nay đại diện cho hơn 5.700 tác giả Việt Nam và hơn 5 triệu tác giả quốc tế, trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình VCPMC cũng đã cấp phép sử dụng quyền tác giả âm nhạc cho nhiều nhà sản xuất để sản xuất phim và đồng thời cũng cấp phép sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim (nhạc phim) thông qua việc ủy quyền của các nhà sản xuất (trường hợp các nhà sản xuất là chủ sở hữu). Do đó, trong khuôn khổ buổi hội thảo hôm nay, VCPMC xin chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm đạt được trong quá trình thực hiện việc cấp phép sử dụng và khai thác âm nhạc được sử dụng trong lĩnh vực điện ảnh trong thời gian qua.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn trình bày tham luận " Bản quyền âm nhạc trong tác phẩm Điện ảnh" tại Hội thảo
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn trình bày tham luận ” Bản quyền âm nhạc trong tác phẩm Điện ảnh” tại Hội thảo

1. Quy định pháp luật về quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh

Khi nói đến âm nhạc được sử dụng trong phim, thường các nhà sản xuất phim sẽ nghĩ ngay đến việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, hay nói một cách dễ hiểu là thực hiện nghĩa vụ “bản quyền” đối với âm nhạc trong phim. Điều này là hết sức quan trọng, bởi vì giống như các yếu tố khác góp phần trong việc tạo nên một bộ phim, âm nhạc cũng là kết quả của một quá trình sáng tạo – là yếu tố dễ dàng bị xâm phạm một cách vô tình hay cố ý. Chính vì vậy, khi sử dụng âm nhạc trong phim, các nhà làm phim và các chủ thể khác có liên quan trong lĩnh vực điện ảnh phải tuân thủ các quy định về bản quyền âm nhạc. Tại Việt Nam hiện nay, theo quy định của Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan, khi tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim thì sẽ phát sinh các quyền tài sản thuộc quyền tác giả, tương ứng với nó là nghĩa vụ của người sử dụng, như sau:

a. Quyền sao chép tác phẩm

Như đã đề cập, có những ca khúc trong phim đã trở thành kinh điển và có đời sống riêng trong lòng khán giả, thậm chí có những ca khúc mà thành công của nó vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp các ca khúc là những tác phẩm có trước, đã được sáng tạo và tồn tại trong lòng người hâm mộ đến, khi nhà làm phim lựa chọn vì thấy nội dung và thông điệp của ca khúc phù hợp với bộ phim, từ đó quyết định sử dụng các ca khúc này để làm nhạc chủ đề hoặc nhạc nền trong phim. Lúc này các nhà làm phim đã tạo ra một bản sao của tác phẩm âm nhạc, đồng thời bản sao của tác phẩm này sẽ gắn liền với bộ phim, chính vì vậy để được sử dụng tác phẩm đó, theo quy định pháp luật, các nhà làm phim phải thực hiện nghĩa vụ về “quyền sao chép” thuộc quyền tác giả được quy định cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, cụ thể là: “Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào…” và chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả chính là nhà sản xuất của bộ phim.

Như đã nói ở trên, âm nhạc được sử dụng trong phim có thể được xin phép thông qua hai hình thức, đặt hàng (thuê) tác giả viết mới một ca khúc hoặc xin phép chủ sở hữu để được sử dụng ca khúc đã có sẵn để sản xuất phim (thông thường trường hợp này nhà sản xuất sẽ liên hệ VCPMC để xin phép sử dụng và điều này thuận tiện, đáp ứng được tính nhanh chóng và kịp thời để sản xuất phim).

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là có một sự khác nhau trong quy định của pháp luật về việc sao chép tác phẩm âm nhạc để sản xuất phim giữa Việt Nam so với một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, theo đó pháp luật của các quốc gia này quy định một cách chi tiết hơn, phân chia việc sao chép tác phẩm thành nhiều trường hợp nhỏ hơn, cụ thể là: việc sử dụng âm nhạc để sản xuất phim, chương trình truyền hình, video, hay các sản phẩm nghe nhìn khác cần phải được sự cho phép từ chủ sở hữu và việc cho phép này được gọi là cho phép “đồng bộ hóa” (synchronization hay còn được viết tắt là “sync”).

Khái niệm đồng bộ hóa có thể được hiểu là nhà sản xuất được phép sử dụng một ca khúc, bản nhạc để làm nhạc nền hoặc sử dụng ca khúc đó để gắn với hình ảnh trực quan nhằm tạo ra một sản phẩm nghe nhìn có thể là phim, video ca nhạc, video quảng cáo, chương trình truyền hình… Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, chúng ta không có khái niệm đồng bộ hóa nhưng chúng ta có khái niệm về quyền sao chép đã nói ở trên. Chính vì vậy, hiện nay khi cấp phép sao chép tác phẩm, VCPMC chỉ cấp phép trong phạm vi sao chép tác phẩm để sản xuất phim, không bao gồm các quyền hoặc lĩnh vực sử dụng khác.

Khi một bộ phim đã được định hình, việc sao chép tác phẩm âm nhạc vào trong phim đã được thực hiện xong, vấn đề tiếp theo là bộ phim đó khi được phát hành, phân phối, trình chiếu ở các trường hợp, môi trường khác nhau thì sẽ phát sinh các quyền khác nhau; lúc ấy các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim cũng sẽ tiếp tục phát sinh các quyền khác nhau. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trên thực tế, ngày nay việc phát hành phim không chỉ còn gói gọn trong việc trình chiếu ở các rạp phim mà sau khi được chiếu ở rạp các bộ phim còn có thể được phát hành trực tuyến trên các nền tảng trực tuyến hoặc được phát sóng bởi các các đơn vị phát sóng, cung cấp nội dung truyền hình…

Nếu các đơn vị phát hành trực tuyến cho phép người dùng tải về để xem sẽ làm phát sinh “quyền sao chép” (ở các quốc gia khác gọi là quyền sao chép cơ khí – Mechanical Right). Các rạp khi trình chiếu phim thì sẽ phát sinh nghĩa vụ đối với “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng”, còn khi bộ phim được phát sóng trên các kênh truyền hình, các nền tảng truyền hình trực tuyến thì sẽ phát sinh “quyền phát sóng, quyền truyền đạt”.

b. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng

Để bộ phim có thể đến với công chúng, không thể bỏ qua vai trò của các rạp chiếu phim, là điểm đến của các bộ phim điện ảnh và cũng là nơi công chúng được tiếp cận tác phẩm điện ảnh. Việc sử dụng ca khúc/tác phẩm âm nhạc tại các rạp phim có thể thông qua nhiều hình thức như: là việc phát các ca khúc được sử dụng trong phim thông qua việc trình chiếu các bộ phim, phát nhạc phim tại các khu vực sảnh chờ, nơi mua vé, không gian lối đi… và đặc biệt là sử dụng nhạc ở các trailer, teaser… để quảng bá phim. Các trường hợp nêu trên là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là: “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;”.

Đối với việc khai thác âm nhạc được từ việc trình chiếu ở các rạp chiếu phim, đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn tại Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, việc khai thác này diễn ra khá phổ biến, các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc vẫn nhận được lợi ích thu được từ việc các bộ phim được trình chiếu tại rạp, đồng thời còn được gọi là “quyền trình chiếu” (Exhibition Right); điều này là dễ hiểu bởi khi bộ phim được phát/trình chiếu thì các ca khúc/tác phẩm trong phim cũng được trình chiếu và truyển tải đến người xem, người nghe một cách trọn vẹn, việc này làm phát sinh “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” mà ở đây là tác phẩm âm nhạc được phát thông qua việc trình chiếu phim. Ngoài ra cần phải nói thêm về vai trò của tác phẩm âm nhạc lúc này, đó là khi công chúng thưởng thức bộ phim đồng thời cũng đang thưởng thức các ca khúc/tác phẩm âm nhạc trong phim, khi các ca khúc vang lên trong rạp đã tạo nên một hiệu ứng tích cực, đẩy cảm xúc của người xem lên cao trào.

Như đã phân tích về quyền sao chép ở trên, có thể thấy được sự khác biệt giữa mục đích sử dụng tác phẩm âm nhạc của nhà sản xuất và các rạp phim, một bên là đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc để tạo ra một sản phẩm/tác phẩm điện ảnh và một bên là đơn vị trình chiếu, biểu diễn tác phẩm âm nhạc cùng với tác phẩm điện ảnh.

c. Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm

Thực tế hiện nay, sa một thời gian nhất định được trình chiếu tại các rạp, các tác phẩm điện ảnh còn được tiếp tục trình chiếu thông qua các phương tiện phát sóng trên các kênh truyền hình, truyền đạt qua các ứng dụng OTT như Netflix, FPT play…, bên cạnh đó còn có những thể loại dành riêng cho lĩnh vực phát sóng như phim truyền hình, phim sitcom, chương trình truyền hình có sử dụng phim làm tư liệu… Khi các tác phẩm điện ảnh này được trình chiếu, phát trên truyền hình sẽ làm phát sinh quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim được quy định cụ thể tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là: “Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác…”.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền hình OTT và các nhà phát hành phim trực tuyến đã đưa người dùng, công chúng tới một hình thức hưởng thụ nội dung giải trí hoàn toàn mới mẻ. Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình đã làm biến đổi cách khán giả tương tác với nội dung, và cuộc cách mạng số hóa này cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ quyền tác giả, yêu cầu đặt ra là cần phải có các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm phạm quyền tác giả, không chỉ là đối với tác phẩm điện ảnh mà còn với tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim.

2. Tình hình thực tiễn cấp phép sử dụng quyền tác giả âm nhạc trong phim

Số tiền VCPMC thu được trong 03 năm gần đây (2020,2021, 2022) từ hoạt động cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim như sau:

-Sao chép để sản xuất phim:

+ Năm 2020 là 1.035.259.460 đồng

+ Năm 2021 là 193.000.000 đồng (nguồn thu giảm do ảnh hưởng của dịch Covid);

+Năm 2022 là 711.045.500 đồng;

-Trình chiếu nhạc trong phim (quyền biểu diễn): chưa thu được

-Truyền hình, trình chiếu phim trực tuyến (quyền phát sóng, truyền đạt): chưa thu được.

Nhìn vào số liệu nói trên, có thể dễ dàng nhận thấy được có những thuận lợi cũng như những khó khăn của VCPMC trong việc quản lý, khai thác quyền tác giả đối với âm nhạc sử dụng trong phim, cụ thể là:

Hiện nay, lĩnh vực sao chép tác phẩm âm nhạc để sản xuất phim VCPMC đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nguồn thu trong việc cấp phép sử dụng quyền tác giả đối với âm nhạc sử dụng trong phim. Ở lĩnh vực này, hiện nay VCPMC đã đạt được những kết quả bước đầu, bởi sự góp phần không nhỏ là do hành lang pháp lý đã được xây dựng chặt chẽ và dần hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho VCPMC thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Nguồn thu các năm ở lĩnh vực sao chép để sản xuất để sản xuất phim là khá ổn định và tùy theo nhu cầu sử dụng thực tế của thị trường; trong năm 2021, do dịch bệnh Covid nên nguồn thu giảm, hiện nay nguồn thu đang hồi phục tuy chưa bằng so với thời điểm trước khi dịch Covid. Ngoài ra, điều đáng mừng trong thời gian qua là công tác truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức nhằm nâng ý thức về vấn đề bản quyền đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà sản xuất phim quan tâm ngày càng nhiều, nhiều đơn vị đã chú ý tới công tác bảo vệ quyền tác giả, đầu tư cho mảng pháp lý để hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Ngoài những thuận lợi nêu trên, VCPMC vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại các rạp trình chiếu phim. Hiện nay cả nước có gần 200 rạp phim với tổng số hơn 900 phòng chiếu phim. Tuy nhiên theo báo cáo số liệu ở trên thì VCPMC chưa thu được tiền bản quyền đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc được trình chiếu thông qua bộ phim, có nhiều rạp phim đưa ra quan điểm là họ được các nhà phát hành ủy quyền trình chiếu bộ phim đó cho công chúng, thế nên rạp không có trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc trong phim, nhất là các sản phẩm quảng bá cho phim như trailer, teaser… dẫn đến hệ lụy là hiện nay việc thu tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim tại các phòng chiếu phim vẫn chưa được sự đồng thuận, chưa thể thực hiện được.

Không chỉ trong phạm vi trình chiếu phim ở rạp, trong lĩnh vực truyền hình và phát hành trực tuyến, VCPMC hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong phim, dù cho đại diện của các tác giả nước ngoài nhiều năm qua vẫn luôn đặt vấn đề này với VCPMC. Trong khi các tổ chức tương ứng với VCPMC ở nước ngoài (CMO) thông qua các hợp đồng hợp tác song phương, hằng năm vẫn thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với âm nhạc trong phim và chi trả cho các chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam, thì VCPMC hiện nay vẫn chưa thể thu được tiền nhuận bút sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực này cho các chủ sở hữu Việt Nam và quốc tế.

Một ví dụ về trường hợp này là, trước đây khi bộ phim “Đừng đốt” được mang ra nước ngoài để trình chiếu thì các CMO nói trên vẫn tiến hành việc thu tiền sử dụng quyền tác giả đối với ca khúc được sử dụng trong phim này và VCPMC đã chi trả khoản tiền này cho Nhạc sĩ Ngọc Đại, hay vừa mới đây là trường hợp của bộ phim “Bố Già”, và nhiều trường hợp khác nữa.

Có thể kể đến ví dụ về một tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã được các nhà làm phim Hollywood sử dụng, số tiền bản quyền đã thu được là 1.109.900.359 đồng, trong đó số tiền cho quyền truyền đạt do đơn phát sóng trả là 73.214.065 đồng, còn lại là số tiền được trả cho quyền sao chép.

Ngoài ra, trong một vụ kiện giữa COMPASS (tổ chức đại điện tập thể quyền tác giả của Singapore) và một tổ chức phát sóng của Singapore, VCPMC và COMPASS cũng đã thành công khi yêu cầu tổ chức phát sóng nói trên trả tiền bản quyền cho các tác phẩm âm nhạc trong phim khi phát sóng các bộ phim này (nhà sản xuất đã xin phép để sao chép tác phẩm âm nhạc vào phim nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các đơn vị phát sóng được miễn trừ nghĩa vụ khi phát sóng bộ phim).

3. Một số đề xuất và kiến nghị

Như đã trình bày ở trên, việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh hay âm nhạc được sử dụng trong phim vẫn đang còn nhiều vướng mắc, khó khăn và cần có các biện pháp hữu hiệu, khả thi để tác phẩm được bảo vệ đúng mức mà vẫn tạo điều kiện cho việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Với những kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, VCPMC có một số đề xuất như sau:

Một là, về mặt tổng thể, các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung; xác lập được hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; bảo đảm việc điều chỉnh được hầu hết các quan hệ xã hội ở các lĩnh vực này, phù hợp với quy định của quốc tế và có thể đáp ứng được xu thế phát triển trong nước và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế như đã nói ở trên, chính vì vậy, VCPMC mong muốn các cơ quan chức năng tích cực trao đổi kinh nghiệm thường xuyên hơn nữa với các nước trong khu vực và quốc tế để có thể tiếp tục xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc hơn, hạn chế những lỗ hổng, tương thích với những thay đổi của thực tiễn, và đồng thời bắt kịp được những thay đổi trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão như hiện nay.

Hai là, các cơ quan quản lý tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất phim, các rạp chiếu phim trong việc thực hiện các quy định về quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh nhằm bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ về quyền tác giả được nghiêm túc; tăng cường thực thi bảo hộ quyền tác giả, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể quyền áp dụng hiệu quả các biện pháp tự bảo vệ quyền, góp phần gia tăng động lực sáng tạo, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả.

Ba là, hiện nay theo quy định mới của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể là tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về việc các tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với tác phẩm âm nhạc đó. Các nhà làm phim cũng cần phải lưu ý vấn đề này khi đặt hàng ca khúc hoặc xin phép sử dụng các ca khúc đã từng được sử dụng trong phim trước đó để tránh các tranh chấp đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng không tốt đến bộ phim của mình.

Cuối cùng, điều các nhà sản xuất cũng như các tác giả/nhạc sĩ cần lưu ý, đó là việc làm sao để khai thác tối đa được lợi ích của các tác phẩm âm nhạc sử dụng trong phim. Như đã đề cập, việc các nhà sản xuất chỉ sử dụng tác phẩm âm nhạc là mới chỉ khai thác được phạm vi nhỏ, giới hạn trong khuôn khổ sản xuất bộ phim, tuy nhiên các ca khúc nhạc phim ấy vẫn còn có thể được khai thác ở phạm vi rộng lớn hơn, như lợi ích có thể khai thác được từ việc trình chiếu ở các rạp phim hoặc các đơn vị cung cấp nội dung, phát hành trực tuyến… mà ở phạm vi này các nhà sản xuất khó có thể trực tiếp khai thác được. Do đó, trong trường hợp các nhà sản xuất là chủ sở hữu các ca khúc trong phim (đặt hàng viết nhạc phim) có thể ủy quyền quản lý quyền tác giả của các ca khúc này cho các tổ chức đại diện tập thể quyền như VCPMC để có thể khai thác tối đa lợi ích hoặc khi đặt viết ca khúc có thể thỏa thuận với các tác giả về phạm vi sử dụng chỉ gói gọn trong phim, còn các lĩnh vực khác tác giả vẫn được bảo lưu khai thác, điều này sẽ giảm thiểu chi phí sản xuất và tránh lãng phí thành quả sáng tạo của các tác giả/nhạc sĩ.

Qua những trao đổi và chia sẻ ở trên, có thể nhận thấy rằng tác phẩm điện ảnh và tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong đó có một đời sống gắn chặt với nhau, việc bảo vệ bản quyền của một tác phẩm điện ảnh cũng bao gồm việc bảo vệ tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong đó. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh nếu không được xử lý, ngăn chặn kịp thời sẽ gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền, từ đó gây thất thoát nguồn lực, làm giảm động lực sáng tạo của các chủ thể quyền.

Chính vì vậy, thông qua những chia sẻ về kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và đặc biệt là quyền tác giả của các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim, VCPMC mong muốn công tác bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh sẽ đạt được hiệu quả tích cực, đáp ứng được nhu cầu ngày càng trở nên cấp thiết; tạo điều kiện cho công chúng, khán giả được thưởng thức các sản phẩm nghe, nhìn không chỉ đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung mà đồng thời còn tạo môi trường hưởng thụ văn hóa lành mạnh, văn minh, giàu tính nhân văn và thượng tôn pháp luật; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thông qua ngành công nghiệp điện ảnh và các ngành công nghiệp văn hóa khác trong giai đoạn hiện nay.

hoi thao

Việt Nam hiện đã có hệ thống các văn bản pháp lý về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đề ra, nhận thức về pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và về quyền tác giả nói riêng cũng đã từng bước được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn đâu đó là những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra do những lỗ hổng kiến thức pháp luật khiến cho các vi phạm vẫn còn xảy ra. Để tránh những trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan cũng như những kiện tụng không đáng có, trước khi sử dụng ca khúc làm nhạc phim, nhà sản xuất cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định pháp luật. Đối với tác phẩm đã được tác giả ủy quyền cho VCPMC quản lý thì liên hệ với VCPMC để xin phép sử dụng. Do đó VCPMC cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất điện ảnh quan tâm và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của VCPMC để VCPMC có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đối với tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong phim của mình.

 

Nguồn: Tin tức VCPMC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *