Người biểu diễn có quyền gì theo pháp luật sở hữu trí tuệ

Thông thường chúng ta thường nghĩ chỉ có người sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm mới có quyền theo pháp luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh những chủ thể này, chủ thể biểu diễn tác phẩm cũng là một chủ thể được pháp luật sở hữu trí tuệ quan tâm và bảo hộ các quyền của họ. Pháp luật sở hữu trí tuệ gọi chủ thể này là người biểu diễn. 

Người biểu diễn là ai?

Người biểu diễn là người sử dụng tác phẩm của người khác một cách sáng tạo trong sự thể hiện các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó có thể là các ca sĩ trình diễn bài hát, vũ công, diễn viên biểu diễn tác phẩm kịch, phim… và những chủ thể khác trình bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Người biểu diễn là cầu nối của tác phẩm đến công chúng. Cụ thể như bài hát X do nhạc sĩ Y viết được hát bởi ca sĩ Z, vậy ca sĩ Z là người biểu diễn.

Vậy tại sao phải đặt ra vấn đề bảo vệ quyền của người biểu diễn trong luật sở hữu trí tuệ? Trong thực tế, các tác phẩm văn học nghệ thuật như bái hát, vở kịch được chấp bút bởi các nhà văn, nhạc sĩ thường chưa thể đến được với công chúng. Người thổi hồn cho các tác phẩm này là người biểu diễn. Mỗi người biểu diễn có cách thể hiện tác phẩm riêng, và việc thể hiện các tác phẩm dưới dạng bản thu âm, thu hình cũng có thể được coi là một sự kết tinh của trí tuệ, công sức của người biểu diễn vào tác phẩm. Vì vậy việc bảo hộ quyền của người biểu diễn cũng rất quan trọng.

 Quyền của người biểu diễn theo pháp luật sở hữu trí tuệ việt nam

Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi và bổ sung năm 2009, 2019) có quy định cụ thể quyền của người biểu diễn tại điều 29. Tương tự như đối với tác giả, người biểu diễn có quyền nhân thân và có thể có hoặc không quyền tài sản. Cụ thể:

– Trường hợp người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư buổi ghi âm, ghi hình biểu diễn tác phẩm thì người biểu diễn có cả quyền nhân thân và quyền tài sản.

– Trường hợp người biểu diễn không phải là chủ đầu tư ghi âm, ghi hình biểu diễn tác phẩm thì: người biểu diễn có các quyền nhân thân đối với cuộc biểu diễn; Chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định quyền tài sản và quyền nhân thân như sau:

a) Thứ nhất, quyền nhân thân của người biểu diễn: 

+ Pháp luật quy định khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn, người biểu diễn có quyền được giới thiệu tên. Điều này cũng tương tự với quy định về quyền tác giả. Bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn là kết tinh chất xám của họ vì vậy họ có quyền được nêu tên khi phát hành các sản phẩm từ trí tuệ của mình.

+ Pháp luật quy định người biểu diễn được bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn.

+ Người biểu diễn có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

b) Thứ hai, quyền tài sản

(Trong trường hợp người biểu diễn đồng thời là chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn. Sau đây gọi tắt là người biểu diễn)

Người biểu diễn có quyền độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

+ Người biểu diễn có quyền lựa chọn để định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình.

+ Người biểu diễn có quyền sao chép (bảo gồm cả các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp) cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình.

+Người biểu diễn có quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

+ Người biểu diễn có quyền phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình qua các hình thức: bán, cho thuê hoặc bằng bất kì phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

Đặc biệt, khi tổ chức hoặc cá nhân muốn sử dụng hay khai thác các quyền tài sản của Người biểu diễn thì phải trả tiền thù lao cho họ. Khoản tiền thù lao này do pháp luật quy định hoặc do hai bên tự thỏa thuận.

Ngoài ra, về thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể: người biểu diễn có quyền và quyền đó được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

Như vậy bài viết đã làm rõ về định nghĩa người biểu diễn đồng thời nêu ra các quyền mà người biểu diễn được hưởng và được pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ.

 

Nguồn: Báo https://baohothuonghieu.net/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *